Back to previous

OCB tiếp vốn doanh nghiệp start-up không cần tài sản bảo đảm

25/10/2024

Các doanh nghiệp Start-up đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong đổi mới sáng tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang gặp không ít thách thức khi tiếp cận vốn vay ngân hàng và nguyên nhân chủ yếu là thiếu tài sản bảo đảm. Thấu hiểu điều này, Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa triển khai giải pháp cho vay dành riêng cho Start-up với các điều kiện "dễ tiếp cận" hơn.

Theo thống kê của VCCI, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Start-up tại Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, bởi những rủi ro tiềm ẩn trong cho vay khởi nghiệp kinh doanh và hầu hết các doanh nghiệp này không đáp ứng được các tiêu chí xét duyệt khoản vay của ngân hàng như: thiếu tài sản bảo đảm, thiếu dữ liệu tín dụng quá khứ, hay thiếu cơ sở khách hàng và thị trường,… Thấu hiểu những khó khăn trên, Ngân hàng OCB vừa tung ra sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm dành riêng cho các doanh nghiệp Start-up có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên, đặc biệt là các Start-up công nghệ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được vay vốn đến 3 tỷ đồng trong thời gian tối đa 12 tháng để phục vụ cho nhu cầu bổ sung vốn lưu động, tài trợ thương mại, phát hành bảo lãnh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ chính của công ty. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn và thị trường gọi vốn cho Start-up sụt giảm như hiện nay, việc chấp thuận cho vay không tài sản bảo đảm là điểm sáng để các doanh nghiệp gia tăng cơ hội bứt phá cuối năm. 

“Tại OCB, chúng tôi xây dựng các gói giải pháp tài chính với định hướng - Trọn một hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi không chỉ cung cấp sản phẩm riêng lẻ đơn thuần, cụ thể là những khoản tín dụng, mà tập trung cung cấp gói giải pháp tài chính toàn diện từ hỗ trợ khoản vay, quản lý dòng tiền, tư vấn các giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng công nghệ để kết nối hệ sinh thái giữa doanh nghiệp – khách hàng – đối tác, tối ưu trải nghiệm khách hàng và hiệu quả quản trị tài chính. Đặc biệt, những gói giải pháp này sẽ được thiết kế theo từng nhu cầu, đặc trưng riêng của khách hàng. Chúng tôi mong muốn được đồng hành, hỗ trợ các khách hàng của mình từ giai đoạn khởi nghiệp đến khi phát triển thành doanh nghiệp lớn. Chúng tôi kỳ vọng với chiến lược này, những doanh nghiệp Start-up sẽ trở thành khách hàng/đối tác lâu dài của ngân hàng”, Ông Lê Đăng Khoa – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp (CMB) Ngân hàng OCB chia sẻ.

Được biết, tháng 9 vừa qua, OCB đã ký kết hợp tác toàn diện với Quỹ đầu tư Genesia Ventures. Theo đó, OCB sẽ thẩm định để cho các doanh nghiệp Start-up do Quỹ Genesia Ventures đầu tư tại Việt Nam vay vốn không tài sản bảo đảm theo sản phẩm trên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính số toàn diện, giúp doanh nghiệp nâng cao tiềm lực và hiệu quả quản trị dòng tiền. 

Genesia Ventures là Quỹ đầu tư có trụ sở tại Nhật Bản, tập trung đầu tư vào các start-up giai đoạn Seed và Pre-A tại bốn thị trường chính: Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Tại Việt Nam, Genesia Ventures đã đầu tư vào 14 công ty start-up. 

Theo báo cáo "Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu năm 2024" của StartupBlink, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực khởi nghiệp, tăng 2 bậc lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng quốc gia khởi nghiệp toàn cầu. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5, đồng thời đứng thứ 12 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và xếp thứ 31 toàn cầu về số lượng startup. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.

Những động lực thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Trước hết là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ thông qua các chính sách và chương trình đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và thương mại hóa sản phẩm đã tạo nền tảng và điều kiện giúp các Start-up phát triển thuận lợi.

Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy Start-up phát triển. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư cho Start-up những năm gần đây đang bị sụt giảm. Năm 2023, các startups Việt Nam nhận được tổng cộng 529 triệu USD vốn đầu tư, giảm 16,5% so với mức 634 triệu USD năm 2022. Trong nửa đầu năm 2024, tổng vốn tài trợ đã giảm 52,7% so với nửa đầu năm 2023 (theo nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn). Các chuyên gia dự đoán với tình hình ảm đạm như hiện nay, tỷ lệ sụt giảm nguồn vốn trong năm 2024 có thể sẽ tăng so với con số 17% của năm 2022. Nguyên nhân chính được cho là do lãi suất ở các ngân hàng trung ương đều tăng, do vậy, nếu đầu tư cho Start-up nhưng không vượt qua được lãi suất của ngân hàng thì không thu hút được nhà đầu tư. Đặc biệt, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn và rủi ro như hiện nay cũng khiến nhà đầu tư thắt chặt chi tiêu, rót vốn nhỏ giọt. Lúc này, sự can thiệp và nới lỏng điều kiện cho vay dành cho start-up được xem là hành động cấp thiết của các ngân hàng thương mại để trợ lực cho Start-up phát triển.

Related news

See more
Customer support
(84) 28 7305 6678