Việc xây dựng hệ thống mở giúp ngân hàng kết nối nhiều đối tác, xây dựng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.
OCB vừa công bố triển khai thành công nền tảng ngân hàng mở (Open Banking) thông qua các hình thức kết nối Open API. Đây là nền tảng kết nối trung gian cho phép các ứng dụng tương tác, chia sẻ và tích hợp với nhau cùng trên một ứng dụng duy nhất. Cuộc đua ngân hàng mở hứa hẹn sẽ thay đổi đáng kể trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính.
Tương lai ngân hàng mở
Năm 2016, ngân hàng Singapore DBS ra mắt ứng dụng đa chức năng. Từ một ngân hàng có điểm số hài lòng thấp nhất ở đảo quốc sư tử, DBS thành nhà băng có độ hài lòng cao nhất và là một trong những ngân hàng tốt nhất thế giới theo bình chọn của Euromoney, nhờ chuyển đổi số. Nhà băng đi đầu tại Singapore khi phát triển dịch vụ ngân hàng hoàn toàn tập trung vào thiết bị di động, không chi nhánh.
Chọn hướng đi trung lập, phát triển song song cả hai kênh online và offline, HSBC mới đây cũng đã tuyên bố hợp tác với nền tảng ngân hàng mở Bud để kết hợp các dịch vụ ngân hàng vào ứng dụng, cung cấp giải pháp tài chính số toàn diện cho người dùng. ASB Bank (New Zealand) cũng vừa chi 1,7 triệu USD cho một startup fintech để giúp nhà băng này phát triển ngân hàng mở.
Tại Việt Nam, hàng loạt ngân hàng gia nhập cuộc đua tăng tiện ích cho ứng dụng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đã có 94% ngân hàng tại Việt Nam bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% ngân hàng triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Phần lớn đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới diễn ra tại một số ngân hàng tiên phong.
Lợi ích cho cả ngân hàng và người dùng
Nếu như cách nay vài năm, khi chuyển tiền, kiểm tra số dư sổ tiết kiệm, nhận lãi tiền gửi hoặc đóng lãi cho các khoản vay vốn... khách hàng đều phải đến ngân hàng giao dịch, thì giờ đây họ có thể giao dịch dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc mọi nơi, chỉ với smartphone có kết nối Internet.
Ông Dư Xuân Vũ - Giám đốc Khối Công nghệ của OCB cho biết suốt thời gian qua, ngân hàng đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nền tảng mở để số hóa sản phẩm dịch vụ. Hiện ngân hàng liên kết với AirPay, VnPay, Momo... giúp khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, nạp tiền điện thoại ngay trên ứng dụng hoặc chuyển tiền qua các ví để mua sắm, thanh toán dịch vụ.
Xa hơn nữa, với công nghệ Open API, khách hàng có thể sử dụng sản phẩm dịch vụ của OCB ở những nền tảng khác nhau mà không cần phải truy cập vào website hay ứng dụng của ngân hàng. Với việc kết nối và tích hợp với đối tác thông qua Open API, ngoài các dịch vụ truyền thống, khách hàng có thể tiếp cận với các nhiều sản phẩm đầu tư tài chính như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, sức khỏe…) hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital ngay trên ứng dụng. Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp nhiều dịch vụ tài chính của các công ty Fintech như UrBox mang đến giá trị cộng thêm cho khách hàng thông qua các chương trình tích điểm đổi quà, trả thưởng, ưu đãi giảm giá.
Để tối ưu trải nghiệm của khách hàng, ngân hàng còn tiên phong thí điểm dịch vụ xác minh khách hàng tại nhà. Khi muốn mở tài khoản thanh toán, khách hàng chỉ cần đăng ký online thông qua Open API, nhân viên ngân hàng sẽ liên hệ trong 24 tiếng để xác minh thông tin, mở tài khoản trên hệ thống. Hệ thống tiếp tục gửi tự động tất cả thông tin về tài khoản qua email và số điện thoại. Cuối cùng, nhân viên trực tiếp hẹn gặp khách để hoàn tất thủ tục. Từ khi thí điểm tháng 6/2018, đã có gần 100.000 khách hàng trải nghiệm và phản hồi tích cực.
Ngân hàng đang kêu gọi và tạo điều kiện hợp tác với các đối tác Fintech, công ty cung cấp giải pháp quản lý doanh nghiệp ERP… để mở rộng nền tảng ngân hàng mở, gia tăng sản phẩm, dịch vụ đột phá.
Từ góc độ các doanh nghiệp đối tác, Open API của ngân hàng giúp các tổ chức, doanh nghiệp, fintech… tham gia khai thác và kinh doanh trên cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn, tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng thuận tiện, bảo mật và an toàn. Công nghệ bảo mật, quản lý danh tính trên nền tảng mở giúp xác thực thông tin tài khoản và chuẩn hóa quy trình xác thực giữa các tổ chức tài chính và bên thứ ba. . Thời gian và chi phí đối với doanh nghiệp tiết giảm đáng kể. Ngoài ra, với quy trình chuẩn hóa của hệ thống ngân hàng OCB việc giao dịch, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua Open API sẽ được thực hiện một cách đơn giản và minh bạch.
Từ góc độ ngân hàng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng khi sử dụng các nền tảng ngân hàng mở còn mang đến lợi ích lâu dài cho nhà băng.
Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Seatech, đơn vị triển khai Open API của OCB cho biết các công ty và ngân hàng đang chuyển sang nền tảng mở để giúp xây dựng cầu nối cho các tổ chức khác và khai thác năng lực, dữ liệu của đối tác. Open API không chỉ là các công cụ kỹ thuật cho các nhà phát triển ứng dụng mà còn là nền tảng cho phép thiết lập kết nối, tập hợp các chức năng khác nhau để tạo ra mô hình kinh doanh và trải nghiệm khách hàng hoàn toàn mới.
"Phát triển nền tảng mở sẽ là hướng tiếp cận giúp ngân hàng giải quyết bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận nhóm khách hàng khác nhau với chi phí hợp lý về nguồn nhân lực, tài chính và thời gian", ông Nguyễn Quang Minh nói.